Loading...
Xu hướng ESG

Xuất hiện lần đầu vào những năm 1950, CSR là viết tắt của cụm từ Corporate Social Responsibility - Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp. Theo đó, một công ty thực hiện tốt CSR khi vẫn đạt được lợi nhuận mà không gây tổn hại đến xã hội và con người trong tổ chức. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển của khái niệm ESG ở thời điểm hiện tại. ESG hiện đang được sử dụng như một khuôn mẫu để đánh giá cách mà một công ty quản lý các rủi ro và cơ hội do thị trường thay đổi và các điều kiện phi thị trường tạo ra. ESG bao gồm 3 yếu tố:

  • Môi trường (Environmental): Khái niệm này đo lường tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong quá trình vận hành. Các yếu tố môi trường bao gồm quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên tái tạo và giảm khí thải... Việc thực hiện phát triển bền vững ngày càng được các cá nhân và doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt sau khi chúng ta đã chứng kiến một loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng, ví dụ như đại dịch Covid-19, hiện tượng El Nino gây nóng toàn cầu dẫn đến cháy rừng khắp nơi và gây mất cân bằng sinh thái, đe dọa đến sức khỏe của con người.

  • Xã hội (Social): Trọng tâm của ESG nằm trong việc đánh giá các yếu tố xã hội, bao gồm công bằng trong lao động, an toàn lao động, quản lý chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến cộng đồng và đạo đức kinh doanh. Điều này đảm bảo rằng công ty đang thực hiện những hành động tích cực để xây dựng một môi trường làm việc công bằng và đáng tin cậy, góp phần tích cực vào xã hội và cộng đồng xung quanh. Ngoài ra, phần "S" trong ESG yêu cầu các doanh nghiệp thể hiện quan điểm của họ về những vấn đề quan trọng tại nơi làm việc, đối tác và khách hàng. Ngoài ra, ESG còn xem xét cách mà một công ty quản lý các mối quan hệ với cổ đông của mình.

  • Quản trị (Governance): Mục tiêu của ESG trong khía cạnh quản trị là đảm bảo sự minh bạch, đạo đức kinh doanh và quyền lực của quyết định quản lý. Điều này bao gồm việc công bố thông tin và kết quả hoạt động hàng năm một cách công khai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng biện pháp chống hối lộ và tham nhũng, lựa chọn lãnh đạo có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước cổ đông.

3 yếu tố ESG

Ngoài ra, ESG cũng được coi là chỉ số đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc duy trì các giá trị dài hạn ở bối cảnh thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng, đồng thời là tiêu chuẩn giúp tổ chức xác định những nguy cơ rủi ro và cơ hội có thể xảy ra liên quan đến những thay đổi này. Chỉ số ESG được đánh giá theo mức độ những tác động của doanh nghiệp đến với xã hội, môi trường và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp. Điểm ESG càng cao thì chứng minh doanh nghiệp đó thực hành càng tốt tiêu chuẩn ESG. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ESG rất đa dạng và liên quan đến nhiều vấn đề khác, cho nên thực tế hiện nay vẫn chưa có một tiêu chuẩn đánh giá chung nào được sử dụng cho ESG và một số vấn đề liên quan có thể được định nghĩa theo cách khác nhau tùy thuộc vào ngành công nghiệp, đặc điểm của công ty và các mô hình kinh doanh khác nhau.

Trên thực tế lợi ích từ ESG mang lại là rất lớn. Trong nhiều trường hợp, ESG có tác động tích cực đáng kể đối với các vấn đề kinh doanh cơ bản liên quan đến sự thành công dài hạn trong mọi ngành công nghiệp. Quản lý tốt các yếu tố ESG giúp doanh nghiệp xây dựng một danh tiếng tốt và hình ảnh tích cực trong cộng đồng kinh doanh và công chúng, điều này giúp thúc đẩy sự hoạt động của một công ty, giúp doanh nghiệp dễ dàng đạt được các mục tiêu kinh doanh và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khủng hoảng với các bên liên quan quan trọng. Lấy ví dụ, trong trường hợp Cambridge Analytica (2018), Facebook đã mất hàng tỷ đô la giá trị thị trường do danh tiếng của họ bị tàn phá trong việc quản lý các cuộc tấn công an ninh mạng. Cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, thế giới cũng xuất hiện một số ngành công nghiệp buộc họ phải có trách nhiệm với các vấn đề về môi trường nhiều hơn do ô nhiễm từ những hoạt động mà họ gây ra. Đầu tiên phải kể đến là khía cạnh vật lý của việc biến đổi khí hậu, điều này có thể gây ra ảnh hưởng đối với tài sản của công ty và cơ sở hạ tầng xung quanh, do đó có thể sẽ ảnh hưởng đến các bên liên quan hoặc đối tác của doanh nghiệp và đặc biệt là nguồn cung cầu khi thực hiện một hoạt động nào đó trong điều kiện khí hậu thay đổi. Ví dụ, thủy triều dâng và lũ lụt ảnh hưởng đến cộng đồng, đến cơ sở hạ tầng và giá trị bất động sản tại các địa phương. Thứ hai là quản lý rủi ro, các yếu tố ESG cho phép các công ty nhận diện và quản lý rủi ro một cách hiệu quả bằng cách hiểu và đối phó với rủi ro từ môi trường, rủi ro từ xã hội và quản trị. Các công ty có thể giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn lên các hoạt động, danh tiếng và lợi nhuận của họ. Phương pháp quản lý rủi ro chủ động này đóng góp vào sự ổn định và sự phục hồi dài hạn. Đồng thời, ESG cũng giúp những doanh nghiệp xác định được các rủi ro ngắn hạn và các rủi ro dài hạn (ví dụ: mức độ có sẵn của nguyên vật liệu, nhân công và lao động; sự thay đổi quy định) phụ thuộc vào ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh. Đặc biệt, ESG cũng là một cách để quản lý, nắm bắt cơ hội khi các điều kiện thị trường và phi thị trường thay đổi, từ đó có thể làm rõ những nhu cầu chưa được đáp ứng cho các sản phẩm/dịch vụ mới, các nhóm khách hàng chưa được phục vụ hoặc phục vụ chưa đủ, và các mối quan hệ chiến lược để giải quyết các vấn đề ESG.

Xu hướng ESG

Cuối cùng là sự hiện diện của mức độ phát triển ESG có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất tài chính, mức độ tăng trưởng ESG càng cao cho thấy công ty có khả năng đạt được hiệu suất tài chính tốt hơn trong dài hạn. Bằng cách quản lý hiệu quả các yếu tố ESG như giảm thiểu rủi ro hoạt động, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và đáp ứng những quan tâm của các bên liên quan, các công ty có thể nâng cao lợi nhuận, thu hút nhà đầu tư và dễ dàng tiếp cận vốn. Một hiện diện ESG mạnh mẽ có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty. Nó giúp xây dựng sự tin tưởng và uy tín giữa khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan khác. Các công ty đặt sự bền vững, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt lên hàng đầu có thể khác biệt trong thị trường và thu hút khách hàng coi trọng những khía cạnh này. Dựa vào mức độ tăng trưởng ESG, một chỉ số cho thấy sự cam kết của một công ty trong việc xây dựng một lực lượng lao động hiệu suất cao, định hướng mục tiêu và văn hóa của công ty. Từ đó khi tích hợp các yếu tố ESG vào đánh giá giá trị cho phép chúng ta có cái nhìn sâu hơn về các yếu tố vô hình như văn hóa, năng suất hoạt động và rủi ro, từ đó cải thiện kết quả đầu tư.

Quy trình và tính minh bạch về báo cáo ESG của doanh nghiệp cụ thể như sau:

  • Thẩm định giá: Những nhà phân tích nên tìm kiếm báo cáo liên quan đến ESG hoặc các vấn đề liên quan đến của một công ty, vì nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc xếp hạng và đánh giá của ESG trước khi ra quyết định đầu tư. Các nhà phân tích có thể mang lại giá trị bằng cách nhận biết sự nhất quán trong quá trình đánh giá, xếp hạng và báo cáo ESG của một công ty. Đặc biệt, những nhà phân tích cần hiểu chi tiết các cách tiếp cận ESG và các báo cáo về ESG của một công ty.

  • Bỏ phiếu của cổ đông: Cổ đông có thể bỏ phiếu để ủng hộ việc áp dụng và tuân thủ các chính sách và tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp. Điều này có thể liên quan đến việc đề xuất và thông qua các chính sách về bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi lao động, đối xử công bằng và đảm bảo quản trị tốt.

  • Quyết định về RFP (Request For Proposal): đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa nhà cung cấp hoặc đối tác thích hợp và có ý thức về các yếu tố ESG.

  • Thông qua việc phân tích, đánh giá, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định quan trọng nhằm góp phần tạo ra một báo cáo ESG chính xác và phù hợp.

Ở Việt Nam, chỉ số ESG cũng dần trở nên phổ biến. Hiện nay đã có không ít doanh nghiệp bắt tay vào thực hành phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu ban đầu như FPT đã cung cấp các giải pháp chuyển đổi số giúp chính quyền các địa phương phát triển bền vững, Vinfast nhận được gói tài chính chống biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay Vinamilk đã quan tâm và đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero với tổng giá trị là 15 tỷ đồng… Hơn nữa, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các chiến lược, kế hoạch nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững và ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững. Các nỗ lực của doanh nghiệp và nhà nước nhằm hướng đến mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế và xã hội bền vững, đóng góp vào phát triển toàn diện và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, và tạo ra lợi ích lâu dài cho cộng đồng và các thế hệ tương lai.

DCF Việt Nam - được chứng nhận bởi RICS

Những nội dung trong tài liệu này được tổng hợp, phân tích từ các nguồn được cho là đáng tin cậy, tuy nhiên những nội dung trong tài liệu này chỉ nhằm mục đích duy nhất là cung cấp các thông tin chung và không phải một bản phân tích chuyên sâu. Tài liệu này cũng không phải và không nên được coi như một tài liệu tư vấn. Những cấu trúc, số liệu và những minh hoạ được hình thành từ tài liệu này có thể không phù hợp cho các tình huống hoặc các nhu cầu cụ thể và DCF Việt Nam khuyến nghị khách hàng nên thực hiện các tư vấn chuyên biệt phù hợp với tình huống/nhu cầu đầu tư cụ thể của mình. DCF Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về tính chính xác, độ tin cậy hoặc tính đầy đủ của thông tin đó.

----------
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN DCF VIỆT NAM
🏢 Tầng 46 Bitexco Financial Tower, 2 Hải Triều, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
💌 info@dcfvietnam.com
☎️ 0763 304 430
🌐 www.dcfvietnam.com